Đi tìm nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn

source

Có rất nhiều bà mẹ lầm tưởng về tình trạng biếng ăn của con nên đã nhồi nhét, ép con ăn khiến bé sợ hãi, khóc lóc, tìm cách trốn ăn mỗi khi đến bữa.

Đủ cách trị con biếng ăn

Đưa cô con gái 18 tháng đi khám dinh dưỡng ở Trung tâm khám dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), chị Hà (Hồ Đắc Di, Hà Nội) mếu máo: "Mỗi ngày bé ăn 3 bữa là cả nhà có 3 trận chiến. Gia đình phải huy động hết toàn bộ lực lượng, người thì đút cháo, người thì làm trò, người nhảy múa... để phục vụ cho bữa ăn của con.

Thời gian đầu bé còn chịu ăn, sau quen dần với các trò thì bé không ăn nữa, cứ ngậm mãi không nuốt. Tôi đã đổi phương án sang cho bé đi ăn rong, vậy là cứ đến bữa hai mẹ con rong nhau từ đầu ngõ đến cuối ngõ chỉ mong sau con ăn hết bát cháo. Chưa bao giờ bữa ăn của con ít hơn 1 tiếng làm cả nhà rất mất thời gian". 

Không chiều con như chị Hà, chị Nga (Bạch Đằng, Hà Nội) lại quyết định áp dụng phương pháp mạnh tay để trị bệnh biếng ăn của con. Chị kể: "Thấy cậu con trai 4 tuổi lười ăn, tôi nghe các mẹ rỉ tai nhau bí quyết không nên ép con ăn, cứ để con đói ắt nó sẽ có nhu cầu. Thế là về nhà tôi áp dụng luôn, đến bữa bê cơm ra cu Tít không ăn, tôi cất bát đi luôn, cho bé nhịn liền 2 bữa, hy vọng con sẽ ăn ngoan khi đói. Nhưng cu Tít bướng bỉnh, nhất định không chịu ăn dù đã nhịn đến bữa thứ 4. Đến khi Tít tụt huyết áp, người vã vồ hôi như tắm, lả đi thì cả nhà mới tá hỏa đưa đến bệnh viện cấp cứu". 

Đi tìm nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn 1
Có rất nhiều bà mẹ lầm tưởng về tình trạng biếng ăn của con nên đã nhồi nhét con ăn khiến bé lâm vào tình trạng biếng ăn thật sự (Ảnh minh họa)

Đây không chỉ là chuyện riêng nhà chị Hà hay chị Nga, mà là tình trạng chung của rất nhiều trẻ hiện nay. Theo bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì: "Trên 50% bé 1-6 tuổi trên thế giới mắc chứng lười ăn. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 20-40%. Trong tổng số bé được đưa đến khám và tư vấn dinh dưỡng ở Viện dinh dưỡng thì có đến 60% bé khám do lười ăn. Đặc biệt, ở lứa tuổi 1 đến 2, cứ hai bé thì có một ở tình trạng này. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cha mẹ bị lầm tưởng rằng con mình đang biếng ăn nên ra sức nhồi nhét con ăn khiến trẻ sợ ăn và lâm vào tình trạng biếng ăn thật sự”. 

Những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn

Bác sĩ Hải cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, trong đó phải kể đến như:

- Chuyển sang giai đoạn phát triển khác (ví dụ chuyển từ thức ăn mịn sang dạng thô, dạng miếng).

- Bé từ chối ăn có thể do muốn khẳng định tính cách độc lập.

- Sữa, đồ ăn nhẹ hoặc đồ uống đã “lấp đầy” bụng bé trước giờ ăn.

- Mọc răng hoặc bệnh nhẹ như cảm có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bé trong một vài tuần.

- Một đợt trị liệu bằng kháng sinh có thể phá vỡ cân bằng của vi khuẩn trong ruột, ảnh hưởng tới sự thèm ăn của bé.

- Bé chẳng thiết ăn uống vì còn mải miết với những kỹ năng mới như bò hoặc đi bộ.

Ngoài ra, có một nguyên nhân then chốt cần kể đến ở đây là chế độ ăn không hợp lý (khẩu phần ăn chưa phong phú, các bà mẹ chỉ thích cho con ăn theo ý mình, hoặc thức ăn không hợp khẩu vị của bé, bé ăn không đúng bữa, hay ăn vặt…). Thêm vào đó yếu tố tâm lý giữ vai trò quan trọng dẫn đến tình trạng biếng ăn của bé như bị ép ăn bằng mọi cách gây tâm lý sợ hãi khi đến bữa ăn, sự thay đổi môi trường như đổi giờ ăn, nơi ăn... cũng khiến bé từ chối thực phẩm.

Khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân trên mà bé vẫn biếng ăn thì nguyên nhân có thể do một căn bệnh tiềm ẩn khác như:

- Dị ứng thức ăn hoặc không dung nạp với chất nào đó trong thức ăn khiến bé luôn bị đầy bụng.

- Có xu hướng bị tự kỷ.

- Táo bón, dẫn tới căng bụng và khó chịu.

- Chứng trào ngược gây đau khi ăn hay một vấn đề ở cơ lưỡi làm bé khó nuốt.

Lúc này, các mẹ cần đưa con đi khám để biết và khắc phục kịp thời. 

Đi tìm nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn 2
Ảnh minh họa

Vậy khi nào thì tình trạng biếng ăn của bé đáng lo ngại?

Hầu như tất cả các bé đều trải qua những giai đoạn lười ăn khác nhau. Bác sĩ Hải khuyến cáo rằng: "Thay vì tìm nguyên nhân gốc dẫn đến tình trạng lười ăn ở bé thì đa phần các bà mẹ lại nhồi, ép con ăn khiến bé sợ hãi. Như trường hợp kể trên đều không đúng cách, tuyệt đối không được để bé bị đói đến mức tụt huyết áp. Cha mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, vừa bổ sung chất vừa thay đổi khẩu vị cho bé. Khi bé mệt nhọc, mẹ có thể cho con ăn giảm đi một chút so với bình thường, sau đó sẽ cho bé ăn bù bữa chứ không nên ép con ăn theo ý mình".

Nhưng nếu lười ăn quá mức hoặc kéo dài thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Cha mẹ cần lo lắng khi:

- Bạn phải cho bé ăn snack hay đồ ăn vặt thay thế bởi vì bé không ăn cháo/ bột hay sữa.

- Bé dường như không “hề hấn” gì ngay cả khi bị bỏ bữa.

- Bé nhà bạn có dấu hiệu cực kỳ lo lắng khi ăn, thậm chí như có vẻ bé đang bị bệnh.  

- Bạn lo lắng vì bé có dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng như mệt mỏi, xanh xao, giảm cân hoặc tăng cân chậm, thiếu tập trung, giấc ngủ bị quấy rầy...

Bác sĩ Hải cho biết thêm: "Hiện nay trên thị trường không có loại thuốc nào chữa bệnh lười ăn của bé, vì vậy các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc kích thích ăn về cho con dùng. Dù chỉ là các vitamin nhưng nếu lạm dụng sẽ gây hậu quả xấu cho bé. Cần đến khám và tư vấn bác sĩ dinh dưỡng ngay khi biểu đồ tăng trưởng của bé  chững lại". 

5 mẹo dễ dàng giúp mẹ trị bé biếng ăn

source

“Con mình ăn ít lắm!”; “Bé nhà mình rất biếng ăn”; “Bé chẳng chịu ăn gì khác ngoài cơm trắng!”… Đó là những câu bạn thường nghe thấy ở các bà mẹ có con đang trong độ tuổi ăn dặm hoặc mẫu giáo. 


Phần lớn các mẹ đều tìm đủ mọi cách để con ăn nhiều hơn, như cho con xem hoạt hình, xem ca nhạc, thậm chí đi ăn rong… Tuy vậy tất cả những cách đó chỉ là giải pháp tạm thời. 

Muốn trị chứng biếng ăn của bé, bạn hãy thử 7 phương pháp đơn giản mà hiệu quả dưới đây nhé!

5 mẹo dễ dàng giúp mẹ trị bé biếng ăn 1

1. Thư giãn

Các bé thường có xu hướng thích tự kiểm soát cuộc sống của mình, điều đó khiến chúng cảm thấy thỏa mãn hơn, tự tin hơn – và cách chúng cư xử với đồ ăn là một trong những biểu hiện của xu hướng này. Bạn càng ép, trẻ càng chống đối và không muốn ăn. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, hãy tự thả lỏng bản thân mình trước.

Thay vì bắt trẻ phải ăn một loại đồ ăn nào đó vì chúng bổ dưỡng hay đắt tiền và bạn cảm thấy rất tiếc nếu trẻ không ăn; hãy đơn giản là cho trẻ lựa chọn vài loại đồ ăn trong một bữa, và để trẻ tự ăn. Bạn chỉ nên hướng dẫn trẻ cách ăn mà thôi. Đặt đồ ăn trước mặt bé, nếu bé không muốn ăn, bạn đừng ép, và cũng đừng căng thẳng về điều đó bởi các bé rất nhạy cảm và chúng sẽ nhận ra sự căng thẳng của bạn đấy! 

Ngoài ra, sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể làm gương cho trẻ trong việc ăn uống. Thay vì nói với trẻ “Con thử món này nhé, ngon lắm!” thì bạn hãy ăn món đó một cách thật ngon miệng – thậm chí bạn chẳng cần nói gì bé cũng sẽ tò mò mà đòi ăn thử đấy.

5 mẹo dễ dàng giúp mẹ trị bé biếng ăn 2

2. Khen ngợi

Mọi trẻ em đều thích được khen. Chính vì vậy, nếu bé thử một loại đồ ăn mới, hãy khen ngợi bé một cách nhiệt tình và vui vẻ. “Con vừa ăn thử cà rốt đấy, con ngoan quá! Mẹ rất vui!”. 

Với cách này, bạn đã ngầm gửi một thông điệp tới bé rằng khi bé ăn thì mẹ sẽ vui và bé sẽ được khen. Lần sau muốn được khen bé lại sẽ thử những đồ ăn mới mà bạn đưa cho. Với cách làm này, việc muốn thử đồ ăn mới là việc sẽ xuất phát từ tự thân bé mà bạn không cần phải ép.

3. Cho phép bé chọn lựa

Không chỉ là chọn đồ ăn, bạn còn có thể khiến bé hứng thú hơn với bữa ăn hàng ngày khi bạn cho phép bé lựa chọn đĩa, bát ăn hay cốc uống nước. Bé sẽ mong đến bữa ăn để được tự mình lựa chọn xem hôm nay mình sẽ ăn bát có hình con thỏ hay con hổ? Màu đỏ hay màu xanh? 

Tuy nhiên bạn cần lưu ý thỏa thuận với trẻ rằng việc này sẽ chỉ có thể thực hiện tại nhà thôi nhé, còn khi đi ăn tiệm hoặc tới nhà người khác thì bé phải “có gì dùng nấy” như người lớn đấy!

5 mẹo dễ dàng giúp mẹ trị bé biếng ăn 3

4. Bé không thích ăn thịt!

Các thớ thịt xơ và hơi dai khiến rất nhiều bé không có hứng thú với các món từ thịt, dẫn đến việc bé ăn nhả bã hoặc thậm chí nhất quyết không chịu ăn thịt. Đừng lo lắng quá về việc này, bạn có thể cho bé ăn thêm xúc xích – dễ nuốt hơn và hầu như bé nào cũng thích. Ngoài ra bạn cũng nên tăng cười thêm bơ, phô mai, trứng, bơ lạc, sữa chua và bánh mỳ cho bé. 

Nếu vẫn lăn tăn về vấn đề bé không ăn thịt, bạn có thể làm khoai tây nghiền trộn thịt bằm rồi tẩm bột và chiên xù, thịt lẫn trong khoai tây sẽ dễ ăn hơn, và với hình thức đẹp mắt hẳn bé sẽ cảm thấy hứng thú hơn.

5 mẹo dễ dàng giúp mẹ trị bé biếng ăn 4

5. Bé không thích ăn rau!

Đây cũng là vấn đề của không ít bà mẹ. Để “dụ” bé ăn rau, thay vì một loại rau, hãy làm một khay rau đầy màu sắc thật bắt mắt và thử đủ các loại rau củ bạn có thể nghĩ ra. Có bé sẽ thích cà rốt, bé khác lại thích những hạt đậu Hà Lan xinh xinh hãy những chiếc bắp bao tử bé xíu mà bé có thể cầm trên tay. 

Có những thứ bạn không thích và bạn nghĩ có thể bé cũng sẽ không thích; tuy nhiên ăn uống là một vấn đề rất riêng tư và bạn chẳng bao giờ có thể biết được bé có thích hay không nếu bé không được thử.

Mật ong - dưỡng chất, vị thuốc kỳ diệu

Không nên dùng trong các trường hợp ỉa chảy hoặc đầy bụng.

Nhờ thứ chất lỏng màu hổ phách ngọt ngào này, người xanh xao thành hồng hào, người ốm phục hồi sức lực, người lớn dễ đi vào giấc ngủ, trẻ nhỏ hết tưa lưỡi... Là một chất dinh dưỡng, một vị thuốc tuyệt hảo, nhưng mật ong vẫn có thể trở thành chất độc nếu không biết bảo quản, sử dụng đúng cách.

 
Tác dụng của mật ong
Theo Y học cổ truyền, mật ong có tác dụng ích khí, nhuận táo, chữa các chứng bệnh ho, tim, bỏng, đau bụng, khó đẻ, lở âm đầu, hóc xương cá, bí đại tiện, xích bạnh lị, sản phụ khát nước... Không nên dùng trong các trường hợp ỉa chảy hoặc đầy bụng.
Mật ong vừa có tác dụng thay thế đường, vừa là một vị thuốc quý trong tủ thuốc gia đình. Có thể bôi trực tiếp mật ong không cần bào chế, trừ khi làm thuốc đặc biệt của Đông y.
Ứng dụng thực tế
Mật ong là một vị thuốc hữu hiệu giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống nhiễm trùng. Hàng ngày nên ăn 5 thìa mật ong, có thể ăn với bánh mì hoặc uống với trà, sữa tươi.
Mật ong đánh kem với lòng đỏ trứng gà, ăn mỗi ngày một quả sẽ làm da dẻ hồng hào, cơ thể khoẻ mạnh.
Mật ong trộn với bột tam thất ăn mỗi bữa một chén con có thể giúp hồi phục sức lực sau khi ốm dậy.
Nếu bị cảm cúm, bạn sẽ thấy dễ chịu ngay sau khi uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm 2 thìa mật ong.
Nếu bị ho, hãy lấy một quả chanh tươi, khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, sau đó cho một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh trong một cái chén. Để khoảng 1-2 giờ sau đó cắt ra ngậm sẽ đỡ ho ngay.
Khi da bị trầy xước: làm sạch vết thương rồi bôi mật ong lên, vết xước sẽ mau lành và không bị nhiễm trùng hay sưng tấy.
Hoà 2 thìa mật ong vào một cốc sữa tươi đã hâm nóng và uống từ từ từng ngụm nhỏ, giấc ngủ sẽ đến với bạn nhanh chóng và êm dịu.
Mật ong trộn với bột nghệ đen (thể hàn), nghệ vàng (thể nhiệt) có thể chữa viêm loét dạ dày. Ăn liền trong 1-2 tháng sẽ cho kết quả tốt.
Mật ong tẩm vào bông có thể đánh sạch tưa lưỡi trẻ em.
Lưu ý khi dùng mật ong
- Tuy là chất dinh dưỡng tốt nhưng không nên dùng mật ong cho trẻ nhỏ. Mật ong dễ bị trực khuẩn tấn công, chúng sinh sôi nảy nở và thải ra chất độc. Người lớn có sức đề kháng tốt nên ít khi phát bệnh như trẻ nhỏ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy lượng độc tố do 2.000 trực khuẩn sinh ra có thể làm chết 1 đứa trẻ nặng 7kg.
- Khi mật ong xuất hiện các bọt khí thì không nên để lâu. Trong mật ong có một lượng đường khá lớn nên nó có tính hút nước. Do sơ suất trong bảo quản, lượng nước trong mật ong tăng lên, nếu vượt quá 20% thì làm cho nấm men phát triển nhanh và phân giải các thành phần dinh dưỡng của mật khiến mật bị biến chất. Bọt khí xuất hiện là một dấu hiệu chứng tỏ sự biến chất này. Mật tuy không phải là hỏng hẳn nhưng sẽ không giữ được lâu.
- Không bảo quản mật ong trong các đồ đựng bằng kim loại, vì trong mật ong có acid hữu cơ và đường, dưới tác dụng của men, một phần các chất này biến thành acid etylenic. Chất này ăn mòn lớp ngoài kim loại và làm tăng thêm hàm lượng kim loại trong mật ong, làm mật biến chất. Thành phần dinh dưỡng của mật ong bị phá hoại, người dùng dễ trúng độc với các biểu hiện lợm giọng, nôn mửa...
(Theo Sức khoẻ Gia đình)

Khi trẻ bị tiêu chảy?

source
Ghi chú: Xin nói rõ thêm trang web này không thể thay thế bác sĩ điều trị được mà chỉ hướng dẫn cách phòng bệnh, nâng cao hiểu biết để bớt lo âu, sợ hãi vô ích và khi trẻ mắc bệnh thì biết nên làm gì để tránh tác hại thêm. Cần đọc thêm các bài như  “BUSAC”,  “Chữ U trong BUSAC”, “Tiêu chảy ở trẻ con” … cũng trên trang này để được biết rõ hơn. Khi đi khám chữa bệnh cho trẻ, nên đến bác sĩ Nhi khoa, tức chuyên về trẻ con thì tốt.


Tiêu ra toàn phân lỏng, chưa phải là tiêu chảy. Tiêu nhiều lần cũng chưa phải là tiêu chảy! Phải tiêu phân lỏng mà trên 3-4 lần trong ngày mới gọi là tiêu chảy! Tiêu chảy là một bịnh tự hạn chế, nghĩa là tự khỏi. Thế mà vẫn có nhiều trẻ chết vì tiêu chảy! Tại sao? Tại vì trẻ bị mất nước trong cơ thể. Nếu đựơc cho uống bù nước sớm và đầy đủ thì trẻ không chết đựơc! Bệnh dịch tã chẳng hạn, rất dễ chết nếu không kịp bù nước. Ngày nay ít tử vong nhờ người ta đã biết cách chữa: cho bệnh nhân nằm trên một cái giường có lỗ, đặt hậu môn ngay trên cái lỗ đó, bệnh nhân cứ việc  ỉa ào ào vào đó, người ta đo số lượng phân thoát ra và bên trên bù lại bằng đường úông hay truyền dịch. Nếu bù sớm và bù đủ, bệnh nhân sẽ tự khỏi sau vài ba hôm. Dĩ nhiên điều quan trọng hơn là phải “ăn chín úông sôi” để tránh dịch tả.

Ta biết cơ thể trẻ có đến 75% là nước. Một bé cân nặng 10kg, đã có 7,5 kg là…nước. Do đó, chỉ cần tiêu chảy vài hôm, trẻ đã xẹp lép, mắt lõm sâu, da nhăn, môi khô, thở thoi thóp vì thiếu nước! Nhiều bà mẹ thấy con bị tiêu chảy thì sợ, không dám cho uống nước, nghĩ rằng uống nước vào bé sẽ tiêu chảy thêm. Đây là một thành kiến sai lầm tai hại đưa đến cái chết oan cho nhiều trẻ. Trong lúc tiêu chảy, vẫn phải cho bé bú, cho bé ăn, vì tuy bị tiêu chảy nhưng ruột bé vẫn hấp thu đựơc phần lớn thức ăn, bé vẫn cần được cung cấp năng lượng đầy đủ để mau khỏi bệnh và còn để phát triển nữa!  Khi bé tiêu chảy, bà mẹ  phải chú ý quan sát kỹ phân của bé. Phải nhìn cho thật kỹ xem phân có màu gì và nếu cần, phải… ngửi để xem phân có mùi gì…? Nếu phân lổn nhổn, hoa cà hoa cải, có màu xanh, có mùi chua chẳng hạn- và nếu trẻ đang được bú sữa mẹ- thì đó là tiêu chảy sinh lý, không lo, không cần chữa trị gì cả vì không phải bệnh! Bé tiêu “xèn xẹt” như vậy mà vẫn khỏe, vẫn mau lớn vì sữa mẹ là thứ sữa tốt nhất dành cho bé, hoàn toàn vô trùng, có tính acid cao,  kích thích đường ruột làm cho bé đi phân loãng nhiều lần nhưng không nóng sốt, vẫn vui, vẫn chơi, vẫn lên cân đều đều Trái lại, thấy trẻ tiêu chảy mà có nóng sốt, bỏ ăn, bứt rứt, khó ngủ thì đó là tiêu chảy nhiễm trùng. Nếu thấy phân lợn cợn máu như máu cá, có mùi khấm,  thì do nhiễm trùng E.coli, thuờng gặp ở trẻ bú bình mà thiếu vệ sinh bình bú, núm vú. Nếu sốt cao, phân có đàm máu thì thường do trực khuẩn Shigella (gọi là Lỵ trực trùng), phải đưa vào bệnh viện gấp, vì có thể trẻ sẽ bị làm kinh, co giật, rất nguy hiểm.!
Đa số các bà mẹ thấy con tiêu chảy, ói mửa thì rất hoảng sợ, muốn bác sĩ cho thuốc gì để chấm dứt ngay cơn ói ỉa. Bác sĩ mà chiều lòng, chích hay cho uống một thứ thuốc làm… liệt ruột, thì bà mẹ sẽ rất vui lòng, nhưng đã làm hại thêm cho trẻ! Các thứ thuốc làm liệt ruột đó đều có chất á phiện. Phân không thoát ra ngoài đựơc, bị ứ đọng lại, bụng sình chướng lên, gây thêm nhiều tác hại! Nếu đựơc giải thích kỹ, bà mẹ sẽ yên tâm, chấp nhận cho trẻ tiêu chảy thêm vài ba hôm nữa cho ra hết phân độc đi thì mọi thứ sẽ tốt hơn! Dĩ nhiên là vẫn phải uống bù nứơc và thuốc men theo toa bác sĩ.
Tóm lại, để tránh tiêu chảy cho trẻ, tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sanh đến ít nhất 12 tháng tuổi. Nếu phải bú sữa nhân tạo thì tuyệt đối giữ vệ sinh bình bú, núm vú, và pha sữa cho đúng chỉ định. Khi trẻ đã lỡ bị tiêu chảy thì bình tĩnh, cho uống bù nước sớm và đầy đủ, vẫn tiếp tục cho bú mớm, cho ăn, và làm theo y lệnh của bác sĩ. Đừng nóng ruột uống sái phiện, tam xà đởm…, hay đòi chích thuốc, uống thuốc cầm ỉa tức khắc vì như đã nói, rất nguy cho trẻ!

BS Đỗ Hồng Ngọc