3 bí mật để dạy con ngoan

Với 3 kỹ thuật dạy trẻ dưới đây, bạn không cần la mắng hay đánh con nhưng phải luôn bình tĩnh và kiên định, để giúp con loại bỏ các hành vi tiêu cực và cuộc sống gia đình dễ chịu hơn. 

"Con muốn ăn bánh. Con muốn ăn bánh" cho dù chúng ta nghe thấy lời này từ con mình hay con người khác thì kèm theo đó thường là những tiếng gào thét có thể vang vọng khắp siêu thị hay cửa hàng tạp hóa. Khi trẻ bước vào tuổi teen thì những âm thanh này sẽ chuyển thành "Con muốn quần áo mới. Con muốn một chiếc ô tô...". Bố mẹ sẽ làm gì? Làm thế nào chúng ta dập tắt được những cuộc chiến này và làm cho cuộc sống của mình hòa bình hơn một chút?
Người Trung Quốc cổ có câu: "Bố mẹ nương tay dễ bị con cái lấn lướt". Rõ ràng, một số "khuôn khổ" cho trẻ là cần thiết để giữ hòa bình và hạn chế sự hỗn loạn.
minhhoa[1030060264].jpg
Ảnh minh họa: Wikihow.com.
Nhất quán
Triết lý đằng sau kỹ thuật nhất quán là chúng ta không muốn châm ngòi cho những cuộc tranh cãi và cuộc chiến với con cái mình. Kỹ thuật này cực kỳ hiệu quả miễn là bạn kiên định với nó và nhớ sử dụng bất cứ khi nào có thể. Kỹ thuật này nên sử dụng tốt nhất khi một đứa trẻ mè nheo, gào thét hay nằn nì. Nó có thể được sử dụng để dập tắt hầu hết các hành vi không tích cực. Kỹ thuật này có thể hiệu quả với trẻ nhỏ, trẻ lớn, thậm chí cả các em tuổi teen.
Thực hiện nó như thế nào? Bố mẹ đáp lại hành vi tiêu cực của trẻ với một thông báo đơn giản và bình tĩnh. Khi trẻ tiếp tục hành vi đó, bố mẹ nhắc lại câu thông báo chính xác với ngữ điệu đều đều. Bố mẹ phải giữ được sự bình tĩnh và kiên định.
Ví dụ:
Trước khi thực hiện kỹ thuật nhất quán:
Con: Con muốn kẹo! (gào lên)
Bố mẹ: Không, chúng ta đi thôi.
Con: Nhưng con muốn kẹo (khóc)
Bố mẹ: Thôi nào, không kẹo kiếc gì. Đặt nó xuống. (mức độ cáu tăng lên)
Con: Con muốn kẹo, con muốn kẹo!
Bố mẹ: Chúng ta cần về nhà ngay bây giờ. Nào, đi thôi.
Con: Nhưng con muốn kẹo này cơ. (giậm chân xuống đất)
Bố mẹ: Được rồi, được rồi, mẹ sẽ mua. (rất khó chịu)
Khi thực hiện kỹ thuật kiên quyết:
Con: Con muốn kẹo!
Bố mẹ: Hôm nay không mua kẹo. (giọng bình tĩnh)
Con: Nhưng con muốn kẹo!
Bố mẹ: Hôm nay không mua kẹo. (vẫn điềm tĩnh)
Con: Con muốn kẹo! Con muốn kẹo cơ!
Bố mẹ: Hôm nay không mua kẹo. (vẫn điềm tĩnh)
Và cuối cùng, trẻ phải từ bỏ. Qua thời gian, kỹ thuật này sẽ ngày càng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
Kỹ thuật nhất quán hiệu quả vì trẻ sẽ chán nản và học được rằng rên rỉ và mè nheo không giúp chúng có được điều mình muốn.
Là người quyết định
Khi đối phó với tình huống khó, chúng ta phải duy trì sự kiên quyết trong vai trò làm cha mẹ của mình. Cuộc chiến bố mẹ-con có thể cực kỳ dễ tổn thương, vì thế không có gì khó hiểu vì sao chúng ta dễ dàng đầu hàng. Liệu chúng ta sẽ thốt lên bằng lời rằng mình bỏ cuộc hay chỉ để ý nghĩa đó tồn tại trong đầu và bọn trẻ có thể nhận ra? Con cái hiểu bố mẹ và có thể đọc được ta nghĩ gì. Trẻ sẽ có cách để biết liệu chúng sẽ thắng hay thua trong cuộc chiến với cha mẹ.
Với quyết tâm, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để dập tắt các hành vi tiêu cực. Nó không đòi hỏi phải cằn nhằn hay la mắng nhưng nó huy động sức mạnh nội lực - khi bố mẹ là người có quyền trong các tình huống. Một tình trạng khá phổ biến là bố mẹ lo lắng hay căng thẳng về việc tranh giành quyền quyết định với con cái, nhưng bằng sự quyết tâm trong lòng chúng ta có thể ngăn chặn điều đó.
Tập trung vào mặt tích cực và phớt lờ sự tiêu cực. 
Chỉ cần đến siêu thị gần nhà bạn có thể thấy những ví dụ về việc bố mẹ thưởng cho sự la hét của con bằng những hình thức chú ý. Thường thứ trẻ muốn nhất chỉ là thu hút được sự chú ý của bố mẹ. Bao nhiêu tiếng khóc là thật sự và bao nhiêu chỉ là giả vờ?
Một thống kê cho thấy chỉ có 75% bà mẹ và khoảng 50% các ông bố ôm con tuổi đến trường hằng ngày. Điều đó không có gì ngạc nhiên khi trẻ quyết định phải hành động ra ngoài khuôn khổ để lôi kéo sự chú ý của bố mẹ mình. Bằng cách tập trung chú ý đến con khi chúng cư xử tốt, bạn sẽ giảm được việc chúng cảm thấy cần phải "làm gì đó" để chúng ta phải chạy tới và nói chuyện với con. Tập trung vào con khi chúng tốt, và ít chú ý khi chúng bộc lộ quá khích sẽ giảm các hành vi thể hiện khao khát như mè nheo.
Bằng cách sử dụng 3 bí mật nuôi dạy con trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ bắt đầu thấy nhiều hành vi tích cực và ít hành vi tiêu cực hơn ở trẻ. Hãy duy trì tính nhất quyết với 3 bí quyết trên và đừng bỏ cuộc.
Vương Linh 

Dạy con cách tiêu tiền từ tuổi lên 3

source

Hãy chuẩn bị 4 chiếc bình và dạy bé cách phân bổ tiền thành 4 nhóm. Bình 1 giữ tiền để làm từ thiện. Bình 2 đựng tiền tiêu vặt. Bình 3 tiết kiệm cho kế hoạch nhỏ như mua đồ chơi. Bình 4 chứa ước mơ dài hạn như mai sau vào đại học...


Chuyên gia tài chính gia đình và trẻ em Neale S.Godfrey (Mỹ) cho rằng cha mẹ nên dạy trẻ quản lý tiền bạc và cho tiền tiêu vặt bắt đầu ngay từ tuổi lên ba. Bà khuyến khích phụ huynh hãy hướng con theo tư duy "làm mới có tiền". Nhiều cha mẹ quan niệm trẻ nhỏ đã có người lớn lo lắng nên mọi việc chi tiêu liên quan đến đồng tiền thì con nít không nên tiếp xúc, không cần tìm hiểu. Bao giờ đủ lớn để nhận thức và biết cách chi tiêu, trẻ được dạy cách tiêu tiền chưa muộn. Tư duy này không phải là cách dạy con làm quen với tiền đúng. 
Tại hội thảo “Giáo dục con trẻ về tài chính” diễn ra chiều 18/5 ở TP HCM, bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children’s Bank-Mỹ) cho rằng, lứa tuổi lên ba, các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, và đây là thời điểm thích hợp để cho các cháu làm quen với tiền.
 
daytrebiettietkiem-jpg[1056079259].jpg
Nên cho con trẻ làm quen với tiền ngay từ tuổi lên ba. Ảnh: PV
Theo bà, trước hết bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu được phương thức "làm thì mới được trả công". Điều này có nghĩa là phụ huynh sẽ phân ra hai loại công việc giao cho trẻ. Một loại là việc mà con phải tự làm và không được nhận tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi… bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân cháu bắt buộc phải tự làm.
Loại việc bố mẹ sẽ trả tiền cho con như giao các cháu tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng... nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền. Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc được giao thì cho chúng 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng...
Khi đã cho các con tiền thì bố mẹ sẽ tiến hành bước tiếp theo là giúp các cháu lập ngân sách một cách hợp lý. Để thực hiện việc này, bà Neale S.Godfrey giới thiệu mô hình “4 chiếc bình”.
Theo đó, bà khuyên bố mẹ chuẩn bị cho trẻ 4 chiếc bình để chia tiền ra, sau đó dạy cho con cách phân bổ tiền. Bình 1 đựng tiền dành cho các hoạt động từ thiện. Bình 2 dành tiền để trẻ chi tiêu cho những nhu cầu hằng ngày như: mua bánh, kẹo, đồ ăn sáng… (dưới sự giám sát của gia đình). Bình 3 dùng cho tiền tiết kiệm trung hạn, tiền trong bình này trẻ chỉ được dùng để mua các vật dụng mà chúng đã có kế hoạch mua từ trước như đồ chơi... Bình 4 là tiền tiết kiệm dài hạn, trẻ dùng cho việc thực hiện các ước mơ sau này của mình như vào đại học, mở một cửa hàng nhỏ, đi du lịch xa… 
Tiền trong 4 chiếc bình sẽ được bỏ vào từ các khoản thu của trẻ (tiền tiêu vặt hằng tuần, tiền được tặng, được thưởng, tiền từ công việc làm thêm…) với tỷ lệ phân chia như sau: Bình 1 chiếm 10% số tiền; 3 bình còn lại chiếm 30% số tiền. 
Từ kinh nghiệm bản thân, bà không bao giờ muốn các con hiểu rằng yêu chúng là cho thứ này thứ nọ một cách vô điều kiện. "Tôi nói với các con rằng tôi yêu chúng đơn giản là vì tôi yêu chúng, còn trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ là cho con chỗ ăn ở. Ngoài ra, điều trẻ cần nhất ở cha mẹ là thời gian chứ không phải việc đáp ứng mọi yêu cầu về tiền bạc", bà nói. 
Theo bà Neale S.Godfrey, hiện nay nhiều phụ nữ bận làm việc nên luôn muốn cho con em những thứ mà bạn bè chúng có. "Đừng vì bù đắp việc thiếu hụt thời gian mà cho con quà cáp, tiền bạc một cách vô điều kiện và không kiểm soát. Đây là điều rất xấu với con cái", bà Neale nhấn mạnh. 

Bí quyết dạy con thành tài của người Do Thái

source

Chỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Một trong những “bí quyết” là dạy con biết vượt khó, làm việc nhà, liên tục đặt câu hỏi… từ nhỏ.

Những “bí quyết" này được chia sẻ trong hội thảo về phương pháp nuôi dạy con của các bà mẹ Do Thái, diễn ra tại Hà Nội sáng 30/6.
dothai-1372650188_500x0.jpg
Một bà mẹ Do Thái nuôi con tài năng. Ảnh minh họa: Guardian.co.uk.
Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý, người đã trực tiếp đến Isarel - đất nước của người Do Thái - để tìm hiểu về phương pháp giáo dục trẻ tại đây cho biết, cách nuôi dạy con của các bà mẹ Do Thái khá đặc biệt. Họ dành cho con "tình yêu đống lửa" - tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ là cảm giác an toàn, bao bọc kiểu "tình yêu tử cung" như phần lớn các bà mẹ Việt. 
Bà mẹ nào trên thế giới cũng yêu con, nhưng cách yêu và thể hiện tình yêu khác nhau. Giữa "Tình yêu dòng nước mát" và "tình yêu dòng máu đào", người Israel quan niệm nước mát chỉ giải cơn khát nhất thời còn "dòng máu đào" là tình yêu con  phải nhìn xa trông rộng, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời. 
Người mẹ Do Thái nói rằng “phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm”. Có ba điều mà người mẹ không nên làm với con là: Không thỏa mãn trước; Không thỏa mãn tức thời; Không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con.
"Cha mẹ ẩn giấu 20% tình yêu con để trở nên lý trí, khoa học, nghệ thuật trong cách dạy con. Ở Israel có những trường quý  tộc nhưng lại đào tạo và rèn luyện cho học sinh biết được khó khăn, thử thách. Có một chỉ số được các vị phụ huynh đánh giá cao ở trẻ là AQ - chỉ số vượt khó. Càng con nhà khá giả càng cần rèn luyện chỉ số này", bà Hải Lý chia sẻ. 
Người Israel tự đưa ra công thức cho chỉ số vượt khó AQ của họ là: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công. (IQ:chỉ số thông minh, EQ: chỉ số cảm xúc). Họ tin rằng điểm số tốt nghĩa là trường học tốt, trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.
Những bà mẹ Do Thái luôn nhớ một câu châm ngôn “Con lừa thồ sách”, ý  muốn gửi một thông điệp tới các con rằng: “Nếu chỉ đọc sách mà không ứng dụng nó trong cuộc sống thì cũng chỉ là trí tuệ chết mà thôi”. 
Và vì thế, người Do Thái coi làm việc nhà là dạy trẻ cơ hội sinh tồn cơ bản. Theo một nghiên cứu của Tạp chí giáo dục Gia đình tại Israel thì tỷ lệ thất nghiệp của người không biết làm việc nhà cao hơn 15 lần người biết làm việc nhà, thu nhập bình quân của họ cũng thấp hơn 20% so với người thạo việc gia đình. Họ dạy con làm việc nhà từ nhỏ, tùy theo lứa tuổi, và thông thường, trẻ 2 tuổi đã có thể tự phục vụ bản thân.
“Người Do Thái có câu nói nổi tiếng là ‘bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con’ ý nói hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi”, bà Hải Lý chia sẻ. 
Đồng quan điểm này, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho rằng, trong thế giới đầy biến động hiện nay, việc giáo dục con luôn cần sự điều chỉnh và đầu tư lâu dài.
Theo bà, ở bất kỳ đâu trên thế giới, cha mẹ và giáo viên luôn là hình mẫu gần gũi của trẻ, vì thế có mối liên hệ tự nhiên, ý nghĩa giữa cha mẹ và con cái. Việc giáo dục trẻ ngày nay phức tạp hơn trước đây nhiều. Thế giới ngày nay thay đổi chóng mặt và người làm cha mẹ đôi khi không bắt kịp. Trẻ có thể tiếp cận với nhiều thông tin, có khi đi trước bố mẹ một bước, chúng ngày càng độc lập và phụ huynh không thể áp đặt, nhưng vẫn phải giữ vững vị trí là người đi đầu, hướng dẫn. 
Bà cho rằng không một phương pháp giáo dục nào có thể áp dụng cho tất cả trẻ. Bản thân bà có 3 người con, con trai đầu 13 tuổi, con gái thứ hai 8 tuổi và cậu út 5 tuổi, và cũng không thể dạy các con giống nhau vì mỗi bé có một cá tính và khả năng nhận thức khác nhau. 
Nhưng có một điều chung cần thực hiện là các con đều cần được tôn trọng. Bố mẹ khuyến khích trẻ đưa ra ý tưởng riêng, có thể ra ngoài những khuôn mẫu thông thường, thậm chí tranh luận với người lớn. Khuyến khích con đặt câu hỏi để giúp con luôn sáng tạo, linh động... "có lúc tôi cũng thấy hối hận khi không thể thoát ra quanh những câu hỏi bất tận của con", bà Shahar đùa vui. Bà cũng động viên con tham gia các hoạt động ngoại khóa để trẻ phát huy các thiên hướng và những sở trường của mình. 
“Khen ngợi con cũng rất cần thiết, khi con được điểm cao, lúc con thể hiện là một người bạn tốt ở trường... Với trẻ, thất bại cũng quan trọng. Phải để trẻ thử điều mới, phải biết liều lĩnh, để trẻ hiểu rằng không phải mọi điều đều thành công. Khi con làm sai, không phán xét trẻ, để trẻ học hỏi từ thất bại của chính mình và tìm ra cách có thể làm khác vào lần sau”, bà nói. 
Là một nhà ngoại giao, phải đi nhiệm kỳ ở nhiều nước khác nhau, các con của bà Meirav Eilon Shahar cũng gặp nhiều khó khăn khi phải liên tục thay đổi nơi sống và học tập, tìm cách thích nghi với môi trường mới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Bà luôn dạy con tôn trọng người khác, sự khác biệt.
Đến Việt Nam 10 tháng trước, các con đều thấy mới lạ, bà không yêu cầu trẻ phải thích nghi ngay mà chỉ bảo các cháu giữ tư duy tích cực, để ý đến em út. Bé út 5 tuổi không nói được tiếng Anh nên gặp khó khăn khi đến trường, giao tiếp với bạn bè. Bà đã đặt ra một thử thách cho cậu con đầu trong việc giúp em, và cậu bé 13 tuổi đã tự nguyện đi cùng em lên xe bus, kiểm tra xem ở lớp em có làm được bài tập hay có vui chơi với các bạn không... và cháu đã  làm tốt hơn cả mẹ mong đợi. Sau việc này, cháu thể hiện trách nhiệm người anh hướng dẫn em chu đáo.
"Trẻ em ngoài nghĩa vụ còn có các quyền lợi: được tôn trọng, được thất bại, được có ý kiến. Nên đặt trách nhiệm cho con nhưng chỉ vừa sức vì trẻ con luôn cần được vui chơi. Bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất cho con, ai cũng muốn con cái thành công nhưng chỉ là người tư vấn, khuyên bảo chứ không ép buộc", bà Shahar chia sẻ.
Vương Linh

Học mẹ Do Thái dạy con thành tài

source  

4 tuổi, trẻ em Do Thái đã được bố mẹ đưa tiền để tự mua sắm những món đơn giản.

Hãy đến với chuyên mục Làm mẹ của Eva để hiểu hơn về mẹ và bé , cách Chăm sóc trẻ sơ sinh, Cách đặt tên cho con, những điều cần biết khi trẻ ăn dặm, hay những câu truyện cổ tích hay cho bé và chia sẻ cảm xúc trong Tâm sự người mẹ bạn nhé!
Từ lâu người Do Thái được biết đến là “dân tộc thông minh nhất thế giới”, chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich (người Nga gốc Do Thái), Albert Einstein…
Dành thời gian lặn lội sang mảnh đất Israel xa xôi, chuyên gia Lại Thị Hải Lý - Sáng lập Tập đoàn Giáo dục và đầu tư VSK – phương án 0 tuổi tại Việt Nam là người đưa giáo dục sớm Do Thái về Việt Nam, đã đến nhiều trường mầm non và thăm các gia đình ở nước này, tận mắt tìm hiểu, lắng nghe cách dạy con và những bí quyết để có những thế hệ tài năng.
Yêu thương con với tầm nhìn xa, trông rộng
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý đưa ra hình ảnh về tình yêu giọt nước mát và tình yêu giọt máu đào để khắc họa tình yêu của những phụ huynh Do Thái. Nếu như tình yêu giọt nước mát chỉ làm chúng ta thỏa mãn cơn khát nhất thời thì tình yêu giọt máu đào đi vào cơ thể, nuôi dưỡng con người.
Bất cứ phụ huynh nào trên thế giới này đều yêu thương con cái nhưng với các bậc cha mẹ Do Thái luôn mong muốn tình yêu giọt máu đào, họ nhìn xa trông rộng và đem lại lợi ích lâu dài cho con chứ không phải là thỏa mãn những nhu cầu tức thì. Người Do Thái muốn đào tạo những đứa trẻ bản lĩnh, mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo quan niệm của các cha mẹ Do Thái, phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm. Chính họ cho rằng phải tránh 3 “không” gồm: không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thì và không thỏa mãn quá mức. Phần 20 điểm còn lại không phải là không yêu con mà điều đó ẩn giấu vào tình yêu lý trí, khoa học, nghệ thuật.
Ở Israel, có những trường mang tên quý tộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khi trẻ em học ở đây được rèn luyện nhiều về chỉ số vượt khó AQ. Học sinh sẽ trải qua thử thách kể cả những vất vả. Các phụ huynh Do Thái rất chú trọng dạy con về tính tự lập, trẻ em có được kỹ năng phục vụ bản thân từ rất sớm.
    Học mẹ Do Thái dạy con thành tài - 1
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho rằng, bố mẹ không nên quá bao bọc con.
Nhiều phụ huynh Do Thái vẫn kể cho con về câu chuyện “Cà rốt, trứng gà, cà phê”. Theo câu chuyện, có một cô bé thường gặp những khó khăn trong cuộc sống nên hay kể lể với bố. Người bố mang cà rốt, cà phê, trứng gà cho vào 3 cái nồi khác nhau và đun trên bếp. Khi các nồi sôi, ông vớt trứng gà, cà rốt, đổ cà phê ra. Quả trứng từ dễ vỡ sau đó cứng hơn, cà rốt từ cứng thành mềm, cà phê tan trong nước. Qua đó ông muốn nhắn nhủ với con gái, khi đứng trước khó khăn con sẽ lựa chọn trở thành cà rốt (mềm) hay cứng rắn như trứng hoặc tan biến như cà phê.
Đọc sách để áp dụng thực tiễn
Cũng theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, các phụ huynh Do Thái quan niệm có điểm số tốt sẽ có trường học tốt, có trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, có tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt. Tuy nhiên, quan niệm giữa công việc tốt và thành công là khác nhau, bởi không phải có công việc tốt là sẽ thành công
Người Do Thái vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách trên lưng và trên sách là con chim cú mèo để nhắn nhủ, nếu chỉ dừng lại ở đọc sách mà không ứng dụng vào cuộc sống thì đó là trí tuệ chết. Bởi, việc học hay đọc sách là để ứng dụng, chứ không chỉ để biết.
Việc phát triển trí tuệ rất được người Do Thái quan tâm, điều này là nhờ thói quen và đam mê đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1000 là thư viện công cộng.
Cho trẻ học cách làm việc nhà
Tại mỗi gia đình người Do Thái, phụ huynh luôn chú trọng việc dạy con làm việc nhà. Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho biết: “Ở Isreal có đến 900 tạp chí về gia đình. Tạp chí gia đình nổi tiếng nhất nước này đưa ra thống kê tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đưa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không  biết làm việc nhà”.
Hiện nay, vẫn còn nhiều cha mẹ quan niệm làm hết việc của con, dành thời gian cho con học miễn có càng nhiều điểm 10 càng tốt. Không ít người coi việc lấy thời gian của con để cho trẻ học làm việc nhà là có lỗi nhưng điều đó thực tế là làm hại con.
Theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, trong xã hội hiện đại ngày nay, đáng lo ngại là xuất hiện căn bệnh 421 hay 621. Có nghĩa là cả gia đình có ông bà, bố mẹ hoặc nhiều thế hệ hơn tập trung phục vụ 1 đứa trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh Do Thái khuyên không nên như vậy.
Tại nhiều gia đình Việt Nam, việc bón cơm cho con không phải là chuyện xa lạ. Thậm chí, với đứa trẻ lười ăn thì ông bà, bố mẹ phải dùng nhiều chiêu trò khác nhau. Có những người phải “đánh vật” với trẻ vài tiếng đồng hồ để cho ăn chỉ 1 bát cháo nhỏ hay có người cho con ngồi xe máy đi lòng vòng để khíc lệ trẻ ăn nhưng khi ăn xong thì bình xăng cũng cạn. Tuy nhiên, với người Do Thái, trẻ con sẽ có ghế riêng và tự ăn.
     Học mẹ Do Thái dạy con thành tài - 2
Trẻ em Do Thái ở Israel được học cách tự lập rất sớm (Ảnh minh họa)
Câu chuyện về gia đình sư tử mà các phụ huỵnh Do Thái vẫn kể với mục đích để nhắc nhở cho mỗi người làm cha mẹ mang đến nhiều suy ngẫm cực kỳ sâu sắc. Chuyện là, có một bà mẹ sư tử nói sẽ dạy con đi săn. Hai anh em sư tử quá hứng khởi, chạy quá nhanh nên người anh lăn vòng tròn và bị thương. Sau đó, mẹ sư tử cho người anh ở nhà. Hàng ngày, mẹ và em sư tử vẫn đi săn mồi nhưng khi ăn không quên để phần cho người anh. Từ đó, anh sư tử sống trong sự thoải mái, hàng ngày được ăn mà không phải đi kiếm mồi. Cho đến khi trưởng thành, mẹ sư tử mất, lúc đó 2 anh em phải tự đi kiếm ăn nhưng rồi chúng lạc nhau, ánh sư tử bị thương và không qua khỏi. Trước khi chết sư tử anh chỉ thốt lên một câu: “Con hận mẹ”.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho rằng: “Các cha mẹ không nên bao bọc con mà cần tạo điều kiện để con trưởng thành”.
Phải tránh “tâm lý vỏ trứng”
Với phụ huynh Do Thái, họ vẫn nhắc nhở nhau cần tránh “tâm lý vỏ trứng”. Đó là câu chuyện đào tạo nên những em bé thông minh, bề ngoài tự tin có thể đạt tới thành công nhưng bên trong lại yếu đuối. Những em bé này không chịu nghe bất cứ lời chê nào từ giáo viên, sếp và ngoài xã hội, vì bản thân tự nghĩ mình quá hoàn hảo. Chỉ cần một chút chê đã cảm thấy tổn thương, không quen với sự thử thách nên chỉ cần một chút khó khăn cũng thấy cuộc đời chấm dứt.
Chú trọng giáo dục sớm
Việc giáo dục sớm có tầm quan trọng to lớn, thậm chí người Do Thái đã chú trọng vấn đề này từ rất lâu. Năm 1980, Liên Hợp Quốc phát động giáo dục sớm trên toàn cầu. Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama chi 7 tỷ USD trong 10 năm để đầu tư cho giáo dục sớm, với quan điểm “1 USD chúng ta đầu tư hôm nay sẽ tiết kiệm được 7 USD sau này".
Theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, thời kỳ tốt phát triển tiếng nói là trước 2 tuổi, thời kỳ tốt để nhận biết chữ trước 3 tuổi, thời kỳ tốt nhất để học đếm là trước 4 tuổi. Tuy nhiên, không được tiểu học hóa, không quý tộc hóa, không chăm sóc hóa, không vui chơi tự do hóa, không nữ tính hóa.
Học nhận biết tiền, quản lý tài sản từ nhỏ
Đối với phụ huynh Do Thái, giáo dục con cách quản lý tài sản được thực hiện ngày từ khi trẻ còn bé. Một bà mẹ có con là triệu phú ở Israel cho biết, mục tiêu ban đầu không phải tạo ra triệu phú mà triệu phú là hệ quả tất yếu của quá trình giáo dục.
Với trẻ em Do Thái, 3 tuổi được dạy cách phân biệt tiền và biết giá trị tiền, 4 tuổi được bố mẹ đưa tiền để dùng mua sắm những đồ đơn giản, 5 tuổi hiểu có được là nhờ lao động nên phải chi tiêu hợp lý. Từ 6-10 tuổi được bố mẹ cho số tiền lớn hơn một chút và học cách quản lý tiền, tài sản, khi trẻ 10 tuổi sẽ có tài khoản riêng. Thậm chí, tại nhiều gia đình Do Thái, khi con làm việc nhà có thể thưởng những khoản tiền nho nhỏ.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho biết: "Ở Israel, trẻ em còn được tham quan một ngày làm việc của bố mẹ. Có em đã khóc vì không biết được để có được đồng tiền mẹ đã phải đứng máy dệt cả ngày trong sự vất vả”.

Anh Minh

AlanPhan:Dạy con khó hơn điều hành doanh nghiệp

source

- Có thể gọi ông là triệu phú Việt kiều, cũng có thể chẳng cần quan tâm đến điều đó, vì Alan Phan nói rằng, lúc hết tiền cũng như có tiền, ông thấy không có gì khác nhau lắm. Chia sẻ với VietNamNet về chuyện con cái, Alan Phan bảo: "Khi làm ăn thua cuộc, tôi thường nói “mình ngu rồi, làm lại thôi”. Nhưng dạy con thì khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể “làm lại được”.

TS Alan Phan: "Dạy con khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể “làm lại được”.
TS Alan Phan nhắc đi nhắc lại với phóng viên rằng, ông không có ý khuyên bảo gì trong vấn đề dạy con, vì mục tiêu của mỗi cha mẹ rất khác nhau. “Tôi không phải là nhà giáo dục, không phải là chuyên gia về dạy con hay người có thẩm quyền nói về đề tài này chuyên sâu”, ông nói.
Dạy con phụ thuộc hên xui!
Phóng viên: Nhưng thưa ông, dù không phải là chuyên gia dạy con thì ông vẫn là người cha của hai thanh niên có thể gọi là rất thành công trên con đường các con ông đã chọn bên Mỹ. Người con lớn là công tố viên cho tiểu bang Califorlia. Người con thứ hai làm khoa học gia cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ông từng chia sẻ rằng:“Các con tôi đã chọn các nghề mà chúng thích đó là một điều mà tôi rất hãnh diện. Dù là các con tôi không làm doanh nhân, không kiếm được nhiều tiền nhưng chúng rất hạnh phúc với sự lựa chọn đó.” Theo ông, có những yếu tố nào lớn ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái?
TS Alan Phan: Theo kinh nghiệm cá nhân, thì vấn đề dạy con và con mình trở thành người thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn, chứ không phải do kỹ năng dạy con của mình, hay đào tạo theo phương pháp nào. Sách về dạy con tràn ngập ngoài hiệu sách.
Các yếu tố môi trường, xã hội, văn hoá, gia đình và bạn bè là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. Mỗi đứa con có tính khí và sự phát triển nội tại khác nhau.
Chẳng hạn như hai đứa con của tôi, cùng lớn lên ở một môi trường, nhưng tính khí lại rất khác biệt.  Thành ra, khó mà nói được những cái mà cha mẹ thiết kế và tạo dựng ảnh hưởng như thế nào đối với con, chỉ có thể đoán ra thôi nhưng không chắc chắn được.
Tôi đã từng làm ở nhiều doanh nghiệp, đó là cả một sự đau đầu, nhưng so sánh với nuôi con thì nuôi con khó gấp nhiều lần điều hành doanh nghiệp.
Với một doanh nghiệp thì mình có thể đứng tách rời ra để nhìn và quyết định một cách khách quan và nếu làm sai thì làm lại, nhưng dạy con thì không thể làm lại được, không thể khách quan, vì thế, quyết định của mình khó sáng suốt.
Quản lý một đứa con khó gấp chục lần quản lý doanh nghiệp. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con.
Quá trình nuôi con thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ, êm đềm như mình nghĩ mà có lúc đầy bão tố, dù tình trạng “vĩ mô” rất ổn định.
Ông từng trải qua giai đoạn đó như thế nào và vượt qua “bão tố” về con cái ra sao?
TS Alan Phan: Có một thời điểm, đứa con thứ hai của tôi lúc 14 tuổi, trở nên nổi loạn, kết thân với những người bạn mà mình không muốn cho vào nhà. Nó nhuộm tóc vàng, tóc xanh đỏ, đang học giỏi từ hạng A xuống còn chỉ còn hạng D.
Hai vợ chồng ngồi khóc thầm, nghĩ là tiêu thằng con rồi. Khuyên vài ba câu thì nó đứng dậy xách đít đi. Đó là cả một sự đau khổ, kéo dài hơn 2 năm.
Tự nhiên một ngày đẹp trời, vào năm cuối trung học, nó lại khác hẳn, đi học về chào tôn kính cha mẹ , trở lại thành một học sinh ưu tú, gương mẫu. Rồi thi vào học đại học, học xong tiến sĩ, trở thành một khoa học gia. Đó là một chuyện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn và khả năng kiểm soát của mình.
Phải nói lúc đó tôi hoàn toàn bất lực. Vì thế tôi không dám lạm bàn về mình giỏi hay dở trong việc dạy con.
Tình yêu của cha mẹ càng nhiều, con càng ngoan
Nhưng chắc chắn ông đã phải làm một điều gì đó vào thời điểm ấy?
TS Alan Phan: Tôi có đọc một cuốn sách, có đề cập đến sự kiện, trong xã hội đa dạng như xã hội Mỹ, những đứa con tương đối thành công là con cái của người Do Thái và Á châu, hơn là con cái người gốc Phi hay Mễ.
Cuốn sách này cho rằng, nguyên nhân chính là tình yêu của người cha Do Thái dành cho người con rất sâu nặng, tác động mạnh trên sự thành công của người con. Tỷ lệ dân số bị ở tù xuất thân gốc Do Thái ít nhất trong mọi cộng đồng.
Nhìn lại quá trình nuôi con, thì có lẽ cái mà tôi đã làm được là luôn bày tỏ tình yêu thương đối với con mình. Mình yêu con dù bất cứ thế nào. Yêu ở đây là sự trao gởi toàn diện, cho đi hoàn toàn. Khi con tôi nổi loạn và gây cho tôi đau khổ, tôi vẫn yêu nó tha thiết. Tôi nghĩ, đó có thể là một điều giúp nó khi lầm lạc, vì nó vẫn thấy bao quanh nó là một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt. Nhưng đó là trải nghiệm của tôi, không phải là kết luận khoa học (cười).

Alan Phan: "Đừng bao giờ hỏi cha mẹ thích con làm gì. Đây là đời sống của con"

Điều nữa là tôi hãnh diện với tất cả những gì con tôi làm, cho dù đó là điều tôi không thích. Khác trước đây, mẹ tôi chỉ muốn tôi trở thành bác sĩ, nếu tôi không có học bổng sang Mỹ mà vẫn ở Sài Gòn thì có lẽ bà đã bắt tôi phải học bác sĩ hay chịu sự la mắng mỗi ngày.
Vào năm cuối trung học, các con hỏi ý kiến tôi về định hướng nghề nghiệp. Tôi bảo các con cứ làm điều gì các con thích. Hỏi kỹ trong lòng xem thích nhất điều gì. Nếu vài ba năm nữa mà không thích nữa thì chuyển đổi cũng chẳng sao. Đừng bao giờ hỏi cha mẹ thích con làm gì. Đây là đời sống của con.
Đó là trải nghiệm của tôi nên tôi mới khuyên các con, vì cái gì mà mình thích làm thì mình sẽ làm một cách say mê, gắn bó lâu dài, nếu không thì dần dần cũng bỏ.
Con cái không thích nghe hay “giảng đạo”nhiều, thích nhìn và coi tấm gương. Bố mẹ hư hỏng thì con cũng sẽ hư hỏng theo. Con nít rất tinh, không dối gạt chúng lâu dài được. Ngay từ nhỏ, hai đứa con cũng hay phê bình tôi, và nếu chúng có lý, thì tôi cũng công nhận mọi sai lầm chứ không chối hay giấu. Tôi không làm một đằng, nói một nẻo. Gia đình tôi có truyền thống rất dân chủ, cởi mở, minh bạch và không trốn tránh trách nhiệm.
Đối với tôi, mình luôn luôn có thể sai
Ngày con ông còn nhỏ, ông chăm sóc các con như thế nào?
TS Alan Phan: Tôi sống với các con cho tới khi chúng vào đại học. Nhưng tôi cũng đi vắng nhiều. Mặc dù hồi chúng 8, 9 tuổi, tôi hy sinh chuyện kiếm tiền, cố gắng dành thời gian để ở bên con, đi dã ngoại, câu cá, lên núi, đi cano. Mùa đông thì đi trượt tuyết với nhau.
Tôi dành thời gian lúc đó bởi đó là giai đoạn tôi thấy các con cần đến cha nhất. Sau 10 tuổi thì chúng nó thích đi chơi với bạn hơn (bên Mỹ bọn trẻ độc lập rất sớm). Ngày nhỏ còn thích đá bóng chơi bóng rổ với mình, đi xem phim nghe nhạc, sau thì không thích chơi với mình nữa, con trai thường là như vậy.
Mẹ chúng chăm sóc chúng rất nhiều nhưng tụi nó thích chơi với cha. Những trò chơi rất bình thường như đạp xe ở công viên, ra biển. Tôi chỉ chơi với con và nghĩ chúng nó cũng học được từ mình nhiều thứ.
Phóng viên: Về dạy con độc lập trong cuộc sống thì thời điểm nào là thích hợp nhất, thưa ông?
TS Alan Phan: Với trẻ con Mỹ thì tụi nó độc lập rất sớm, khoảng hơn 11 tuổi. Với gia đình Việt tại Mỹ thì cũng tùy gia đình.
Chẳng hạn con đầu lòng của tôi, từ năm 13 tuổi, mặc dù mức sống gia đình tôi thuộc loại trung lưu ở Mỹ, khá thoải mái về vật chất, nhưng nó vẫn dậy từ 5h sáng giao báo để kiếm tiền thêm.
Năm 14 tuổi nó đi làm nhân công trong siêu thị, quét dọn và bán kem mỗi ngày 2 tiếng sau khi tan học. Tiền kiếm được nó để dành đến năm 16 tuổi, đủ mua một cái xe hơi cũ khoảng hơn 2000 đô la. Tôi hoàn toàn có thể cho nó số tiền ấy, nhưng đây là tiền riêng của nó nên nó trân trọng yêu quý cái xe ấy vô cùng. Đó là một văn hóa tự lập tốt của Mỹ, rất phổ thông với các thiếu niên mới lớn. Cũng có thể do gia đình khuyến khích tư duy tự lập, luôn tìm câu hỏi cho mình.
Không phải gia đình Việt nào ở Mỹ cũng vậy. Những gia đình quản lý và kiểm soát nhiều quá thì con sống tầm gửi; còn cởi mở thì con cái độc lập hơn. Gia đình giàu ở Việt Nam mà gửi tiền quá nhiều cho con thì chúng chỉ tiêu xài thôi. Rất nhiều đứa hư hỏng, do có tiền.
Mình sai thì mình phải nhận mình sai, không lấy uy quyền để bắt con phải nghe theo. Hai con tôi thích tranh luận lắm. Nếu cả hai bên không thống nhất thì tra cứu, tìm sách hay tài liệu để học thêm, tìm chân lý.
Đối với tôi, mình luôn luôn có thể sai.
Khi dạy con, nếu chúng không tự lập mạnh mẽ thì ra thế giới rất khó. Ở Việt Nam, chúng không phải đối phó với nhiều thử thách vì sự bảo bọc, nhưng khi sống ở nước ngoài, chúng sẽ gặp vấn đề. Phần lớn học trò Á Đông hay bị người Mỹ chê cười ở chỗ đó. Giới trẻ Mỹ dùng từ “wimp” (không xương sống) để chỉ những thanh thiếu niên dựa dẫm vào gia đình, không biết tự lập.
Tôi không phê bình lối dạy con nào. Mỗi gia đình dạy con một lối. Nếu cho con hình thức tự lập và không áp đặt thì tư duy chúng sẽ phóng khoáng hơn, ra thế giới chúng sẽ hòa nhập tốt hơn.
Theo ông, có nên dạy con thái độ đối với đồng tiền không?
TS Alan Phan: Nên chứ, nhưng tùy đứa có hấp thụ được hay không. Dạy cho chúng biết giá trị đồng tiền, biết phương thức kiếm tiền, đầu tư. Nhưng như tôi đã nói, tính khí của đứa con lại có thể không phù hợp với những gì mình muốn chúng học.
Chẳng hạn, con trai thứ hai của tôi từ bé đến lớn không biết hay lưu tâm gì về tiền bạc, ngay cả khi học tiến sĩ. Có lần tôi cần chuyển một số tiền cho nó làm nghiên cứu, nó nói không có tài khoản ngân hàng.
Hỏi nó giữ tiền thế nào, nó nói, tiền con giữ bên túi quần trái để tiêu, còn tiền bên túi quần phải để dành trong trường hợp khẩn cấp, nếu hết tiền túi trái thì ăn mì gói tạm. Lúc nào hết thì hết. Nó không quan tâm đến tiền, không biết nhiều về tiền.
Khi học xong, sắp ra trường, nó nói: Bố ơi con phải đi kiếm việc. Hỏi có bộ áo vest nào chưa, nó bảo chưa. Bố dẫn đi sắm áo vest. 10 ngày sau tôi hỏi con đã gửi thư đi xin việc chưa. Nó nói: Không cần đâu, con nhận được 8 cái thư mời làm việc với lương rất cao. Bố tới giúp con xem chọn cái nào.
Trong 8 cái thư mời việc làm đó, có những công ty nổi danh như  Microsoft, Intel, Bộ quốc phòng Mỹ, NASA…sẵn sàng cho nó mức lương cao, phải nói là mà mình không thể ngờ được. Cho đến nay thì nó chưa xỏ bộ vest lần nào, đi họp hay đi dự hội nghị quốc tế lúc nào cũng chỉ quần jean, áo thun.
Hiện nó đang làm cho cho Bộ Quốc phòng Mỹ, việc làm tối mật nên tôi cũng không biết gì tí gì về công việc của nó.
Nhưng có lẽ ở Mỹ nó mới sống được như vậy.
Sống ở nhiều nước khác nhau, ông thấy cái hay nhất của gia đình Việt là gì?
TS Alan Phan: Cái hay nhất là sự gắn bó chặt chẽ, tuy sự gắn bó này đôi khi gây ra rào cản và xích mích rất khó chịu. Nhưng dường như mọi người thương yêu nhau, lo lắng cho nhau hơn các gia đình Mỹ?
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
  • Hương Giang(thực hiện)

Chiêu dạy con chi tiền độc đáo của một ông bố

source

Từ năm cu Tí học lớp 2, vợ chồng anh Hưng đã nghĩ ra một cách vô cùng độc đáo để vừa cho phép cậu con trai tự quyết định mọi chi tiêu, lại vẫn kiểm soát được cách tiêu tiền của cậu con mới 8 tuổi.



dạy con, quản lý tài chính, ngân hàng, tiết kiệm, lợn đất, tiêu tiền
Ảnh minh họa: Internet
Anh chị mở một tài khoản ngân hàng cho con trai, nhưng không giống như những tài khoản khác, ngân hàng của cu Tí có tên “ngân hàng mẹ”. Lẽ dĩ nhiên đã là “ngân hàng” thì gửi tiền phải có lãi.
Mỗi tuần anh chị cho Tí 30 nghìn tiền tiêu vặt, mỗi tháng là 120 nghìn, cộng với tiền mừng tuổi, tiền ông bà, cô dì chú bác cho, tặng… tất cả đều được gửi vào “ngân hàng mẹ”. Cứ mùng 3 hàng tháng, cu Tí lại lấy giấy bút để hai mẹ con cùng tính toán tiền lãi mỗi tháng. Lãi suất anh chị đưa ra là 1%/ tháng. Tiền lãi tiếp tục được cộng dồn vào số tiền gốc, tháng sau lại tiếp tục tính lãi.
Khi nào cu Tí cần tiền mua gì đó, sẽ hỏi ý kiến bố mẹ và phải trình bày xem số tiền cần dùng sẽ lấy từ nguồn nào: tiền mừng tuổi, tiền tiêu vặt hay tiền được cho… Nếu “tài khoản” gửi “ngân hàng mẹ” không đủ, Tí có thể tạm ứng trước tiền tiêu vặt hàng tuần. Tuy nhiên, “ngân hàng mẹ” quy định tạm ứng trước sẽ bị trừ 5 nghìn, nghĩa là chỉ còn 25 nghìn/ tuần; còn nếu “rút” tiền tiêu vặt sau sẽ được cộng thêm 5 nghìn. Và quy định là không được tạm ứng quá 2 tháng. Mọi lỗ lãi đều được hai mẹ con tính toán rất chi li và sòng phẳng.
Cũng chính vì thế, cu Tí học được cách chi tiêu rất tiết kiệm. Trước khi mua thứ gì đó, cu cậu tìm hiểu thông tin rất kỹ càng để tìm nơi nào có giá tốt nhất. Ngoài dùng google để tìm kiếm thông tin, nếu muốn mua đồ chơi, Tí đề nghị bố mẹ chở thẳng đến phố Lương Văn Can để khảo giá trước khi quyết định mua.
Từ việc mua gì, bao nhiêu tiền cho tới mua nó ở đâu…. Tí là người đưa ra quyết định, còn bố mẹ là người duyệt. Tuy nhiên, những món đồ được ưu tiên luôn là sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi… Do chỉ được phép tiêu số tiền của mình nên Tí luôn phải đắn đo suy nghĩ trước khi mua một món đồ nào đó. Tuy vậy, hai bậc phụ huynh cũng có những ngoại lệ. Như một lần cậu con trai muốn mua bộ đồ chơi Lego trong khi cu cậu chỉ có 300 nghìn, cộng thêm tạm ứng tiền tiêu vặt mà vẫn thiếu 70 nghìn, anh chị sẵn sàng chi thêm cho con trai.
Hay trong việc gửi tiền trả lãi, có lẽ do được rèn luyện tính toán từ nhỏ nên Tí có những “mưu mẹo” rất khôn. Mặc dù mồng 3 hàng tháng là ngày trả lãi nhưng mỗi khi có khoản tiền nào đó vào dịp cuối tháng, cu cậu gửi ngay mẹ để mồng 3 tháng sau được tính lãi cả số tiền đó. Những kế khôn vặt rất đáng yêu như thế này của con trai vẫn được anh chị vui vẻ chấp nhận.
Sau 2 năm sử dụng “ngân hàng mẹ” (năm nay Tí đã học lớp 4), tài khoản của cu cậu đã có 8 triệu – một con số không hề nhỏ với một cậu bé 10 tuổi, đặc biệt số tiền này lại nhờ vào tài chi tiêu có kế hoạch, hợp lý của Tí cộng thêm sự định hướng, kiểm soát nhất định của bố mẹ.
Ngoài việc tiết kiệm được một khoản kha khá, cu cậu cũng dần làm quen với việc lập kế hoạch chi tiêu, quyết định chọn mua những thứ cần thiết và biết cách tìm những nơi có giá tốt nhất để chi tiền.
Ngoài việc dạy con những bài học đầu tiên về quản lý tài chính, anh chị còn hướng dẫn Tí cách lập kế hoạch cho tương lai. Chỉ đơn giản là việc cu cậu sẽ làm gì trong tuần tới, tháng tới hay 2 năm tới. Do bố đang công tác tại Úc nên từ lâu Tí đã mơ ước được đặt chân tới đất nước của chuột túi. Trong bản kế hoạch dự kiến đi Úc của cu cậu có tất cả những chi tiết như sẽ đi đâu, làm gì, ăn gì, mua gì… Vợ chồng anh Hưng hoàn toàn bất ngờ khi cu cậu viết trong bản kế hoạch của mình là muốn tới Tasmania để trượt tuyết, hay không khỏi phì cười khi biết con trai dự định sẽ mua “hàu đại dương” của Úc về Hà Nội thưởng thức.
Mặc dù những dự định của Tí chẳng có gì cao siêu hay to tát, mà chỉ là những sở thích ngộ nghĩnh của một đứa trẻ nhưng với vợ chồng anh, điều đó cho thấy cu Tí đã biết vạch ra một kế hoạch bằng cách tìm kiếm thông tin về nó và chuẩn bị nó như thế nào. Theo quan điểm của anh chị thì một người thành công là người biết quản lý thời gian và quản lý tài chính. Đó cũng là lý do anh chị muốn con rèn luyện những kỹ năng này từ khi còn nhỏ.
Nguyễn Thảo