Diễn văn Gettysburg

Abraham Lincoln


Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.
Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại. Tất cả đều phù hợp và chính đáng để chúng ta làm việc này.
Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – không thể tôn phong – không thể thánh hóa – miếng đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm thiêng liêng nó, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho nó. Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ lâu những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì họ đã làm ở đây. Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này chúng ta sẽ nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.

Bản dịch : Nguyễn Xuân Xan

Học để làm gì ?

Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).

Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.
Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên. Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục đích, không khai sáng.
Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay, nhưng không phải duy nhất.

Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.

GIÁP VĂN DƯƠNG