Học để làm gì ?

Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).

Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.
Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên. Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục đích, không khai sáng.
Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay, nhưng không phải duy nhất.

Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.

GIÁP VĂN DƯƠNG