TRƯỚC KHI TẮM HỒ BƠI

Dưỡng da sau khi đi bơi

Theo GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Cơ xương khớp, thời điểm bơi tốt nhất là 5 - 7 giờ sáng, vừa thích hợp với cơ thể con người, lại chưa có nhiều người bơi nên nước sạch. Thời điểm 17 - 19h trời mát, tránh được nắng, nhưng cuối ngày nước bơi khó có thể sạch.

BS CK II Phạm Thị Hiếu, Trung tâm Tư vấn Y tế Quang Hồng (Hà Nội) khuyên tránh bơi lúc thời điểm nắng to (11 - 15h hàng ngày) vì dễ bị cảm đột ngột. Sáng sớm và chiều mát sẽ hạn chế làn da bị bắt nắng, nhưng vẫn nên thoa kem chống nắng toàn thân loại SPF 50 trước 20 phút để bảo vệ da. Đeo kính bơi, mũ bơi để bảo vệ tóc và mắt. Nên chọn hồ bơi sạch, bơi ở chỗ mát, tránh chỗ nắng gắt. Không bơi lâu quá và sau bơi không dùng xà phòng có chất tẩy quá mạnh.

Để giảm bớt thuốc sát trùng, muối ngấm vào da, sau khi bơi cần tắm sạch bằng sữa tắm dưỡng ẩm, các loại lotion (dạng sữa dầu, làm sạch, mềm, mịn da, cân bằng độ ẩm, trị mụn... ), thoa kem dưỡng da toàn thân. Nếu da bị cháy nắng ở mức độ nặng thì cần phải đến bệnh viện điều trị.

Clo ở bể bơi sẽ làm tóc mất đi độ bóng mượt. Do đó, trước khi đi bơi cần thoa một chút kem dưỡng ẩm lên tóc để tránh khô, chẻ ngọn (hoặc vuốt dầu xả cũng được). Bơi xong nên dùng dầu gội đầu loại nhẹ dịu, hương liệu thiên nhiên để làm sạch tóc.

Sau khi bơi cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ (do nấm, bệnh phụ khoa có thể lây nhiễm, xâm nhập vùng âm đạo... mà sinh bệnh). Phụ nữ kỳ "đèn đỏ" không nên ngâm nước lâu vì khả năng tự bảo vệ lúc này của cơ thể kém nhất. Sau khi bơi, nếu thấy ngứa ở cơ quan sinh dục nên đi khám ngay.

Không nhai kẹo cao su khi xuống nước
Trẻ em đi bơi luôn cần có người lớn giám sát, không nên rời mắt khỏi trẻ mọi lúc mọi nơi trong bể bơi, kể cả có thiết bị bơi an toàn vẫn phải giám sát trẻ chặt chẽ.

Thầy Nguyễn Đoan, giáo viên dạy bơi ở bể Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội) khuyên, tất cả trẻ cần học bơi, nhưng nên chọn bể hợp với lứa tuổi và bơi khoảng từ 7 - 9h sáng. Trước khi xuống nước, trẻ cần khởi động các khớp và cơ nhưng đừng lên gân để xuống nước tránh bị chuột rút. Sau đó tắm tráng nước sạch (một cách kiểm tra cơ thể), nếu thấy chóng mặt, loạng choạng là không xuống bơi vì cơ thể lúc đó không thích ứng với nước. Dạy trẻ luôn tuân theo các quy định của bể bơi, chỉ nên bơi ở chỗ có độ sâu an toàn (có vạch sơn đánh dấu mực nước ở thành bể) và luôn trong tầm mắt của nhân viên cứu hộ. Nhớ đeo kính bơi và không tháo kính dưới bể nhiều lần để tránh vi khuẩn xâm nhập vào mắt kính. Lên khỏi nước ngay khi cảm thấy mệt hoặc lạnh.

Thành và đáy của bể bơi thường được làm bằng bê tông, nếu muốn nhảy hãy nhảy ở cầu, không nên nhảy từ thành bể (đề phòng va xuống đáy bể rất đau và nguy hiểm). Cũng đừng xô đẩy người khác vì dễ làm bị thương người khác hoặc chính mình. Đừng nhai kẹo cao su hoặc ăn khi đang bơi vì dễ bị sặc. Không cho trẻ ăn no, uống nước có chất kích thích trước khi xuống nước.

Làm sạch mắt, mũi bằng nước muối sinh lý
BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó GĐ BV Nhi T.Ư khuyên nên choàng khăn tắm ngay khi trẻ lên khỏi mặt bể bơi để tránh lạnh, rồi đưa đi tắm nước sạch, tránh nhiễm bẩn. Nghiêng đầu để nước trong tai, mũi chảy ra, rồi dùng nước muối sinh lý Natriclorid nhỏ vài giọt vào mắt, mũi.
BS Phạm Thị Hiếu khuyến cáo nên súc miệng bằng nước sạch ngay khi lên bờ vì hóa chất trong nước bể bơi lỡ uống phải dễ hủy hoại men răng. Đi bơi về dễ mắc các bệnh đau mắt đỏ, khô mắt, đỏ mắt, viêm tai mũi họng... Do đó, cần chú ý bảo vệ mắt (nhất là từ tháng 6 - 8 là cao điểm của dịch đau mắt đỏ". Nếu thấy mắt, tai có triệu chứng bất thường cần đi khám ngay. Lúc bơi lội, thân thể dễ bị va chạm, xây xước nhẹ, virus, nấm, bệnh ngoài da dễ xâm nhập... nên cần vệ sinh da sạch bằng xà phòng, sữa tắm có độ kiềm cao để tránh bệnh da liễu.

Nguồn giadinh